6. Kỹ thuật trồng rau hữu cơ
Trồng rau hữu cơ trong chậu là một phương thức trồng trọt phù hợp nhất với nhà phố, đô thị. Chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn chi tiết cách để trồng rau hữu cơ trong chậu trong tài liệu này.
Last updated
Trồng rau hữu cơ trong chậu là một phương thức trồng trọt phù hợp nhất với nhà phố, đô thị. Chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn chi tiết cách để trồng rau hữu cơ trong chậu trong tài liệu này.
Last updated
Mô hình trồng rau đô thị đang rất được quan tâm gần đây, nó cung cấp các loại rau sạch, dinh dưỡng và tươi ngon cho bữa ăn gia đình bạn mỗi ngày. Ngoài ra hoạt động làm vườn được cho là rất phù hợp để hạn chế các bệnh về tim mạch, huyết áp và là 1 “bài tập” giữ dáng vô cùng hiệu quả.
So với trồng rau trong các chậu nhỏ, lẻ thì trồng rau trong chậu to sẽ giúp cây có đủ không gian cần thiết để phát triển, giúp giữ ẩm tốt hơn cũng như tối ưu hóa được diện tích và đất trồng. Việc trồng các loại rau cùng nhau trong 1 chậu lớn hình thành nên 1 hệ sinh thái phong phú mà ở đó các cây có thể hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển khỏe mạnh.
Hãy tham khảo các kiến thức trong bài viết dưới đây để giúp bạn và cây trồng của mình có một khởi đầu tốt đẹp.
Chậu làm bằng chất liệu gỗ thông nguyên bản, không sơn hay ngâm tẩm xử lý hóa chất. An toàn cho cây trồng và đáp ứng yêu cầu về thẩm mỹ cho khu vườn hữu cơ của bạn.
Kích thước tiêu chuẩn 1,5mx0,9m cao 0,2m. Đủ để bạn trồng 3-4 luống rau ăn lá và có thể xen kẽ các loại rau gia vị, hoa có thói quen sống phù hợp.
Trồng cây trong chậu giúp bạn không phải cúi quá nhiều, giảm áp lực lên cột sống của bạn.
Đất sử dụng để trồng rau 100% là đất mùn hữu cơ, chứa nhiều khoáng chất cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho rau.
Trồng theo phương pháp hữu cơ sẽ giúp nuôi sống và bảo vệ hệ vi sinh vật trong đất – yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc làm đất tơi xốp và giữ được dinh dưỡng. Nên ưu điểm vượt trội của việc trồng đất mùn là đất của bạn sẽ ngày càng màu mỡ, tơi xốp mà không cần cuốc xới hay làm lại đất sau mỗi vụ thu hoạch.
Tùy vào thời điểm trồng trọt, chúng tôi có gợi ý các gói rau phù hợp với thời tiết để bạn lựa chọn. Ví dụ: thời tiết ấm ấp là thời điểm thích hợp để trồng mồng tơi, rau muống, rau dền hay các loại bầu bí, mướp.
Rau của chúng tôi được tuyển chọn từ các loại hạt giống chất lượng, có sức sống và khả năng kháng bệnh tốt, đảm bảo vườn rau của bạn ở trong tình trạng tốt nhất.
Hệ thống tưới nhỏ giọt tự động được lắp đặt phù hợp với số lượng cây trồng trong chậu, giúp cung cấp nước trực tiếp tới từng gốc cây.
Ưu điểm của hệ thống tưới sát gốc là tránh tình trạng tán lá bị ẩm ướt khiến các loại nấm bệnh có cơ hội xuất hiện.
Hệ thống tự động thay bạn chăm sóc vườn cây ngay cả khi bạn vắng nhà.
Được cài đặt theo nhu cầu từng loại cây và tùy thuộc đặc điểm thời tiết, có thể dễ dàng điều chỉnh theo dõi trên điện thoại.
1 chậu có thể trồng 3-4 loại rau chính cùng lúc. Với 3 chậu rau trồng xen kẽ các loại rau thu hoạch nhanh và lâu, sẽ đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng cho 1 gia đình nhỏ (2 người lớn, 2 trẻ nhỏ)
Theo gói rau đã gợi ý theo mùa, chọn ra những rau mà bản thân và gia đình bạn muốn ăn và trồng. Những loại mà chúng tôi gợi ý đều phù hợp để trồng và phát triển trong chậu.
Trồng rau gia vị xung quanh chậu. Do cây gia vị thường là cây lâu năm nên sẽ có thời gian thu hoạch lâu dài, nếu trồng quá gần rau ăn lá thì bộ rễ sẽ bị xáo trộn khi tiến hành thu hoạch và trồng rau mới.
Chú ý các loại cây cao hơn thì trồng phía sau, xa ánh mặt trời, tránh che mất các loại rau khác.
Chọn hướng khu vườn có thể tiếp cận ánh nắng trực tiếp tối thiểu 4h trong ngày. Ánh nắng là điều kiện quan trọng trong sự sinh trưởng của cây cối và cũng giúp hạn chế các vấn đề về nấm bệnh.
Ưu tiên nơi không gian thoáng đãng, giúp không khí có thể lưu thông tốt giữa các cây.
Vì cần lắp đặt hệ thống tưới tự động nên đó cần là nơi có thể dễ dàng tiếp cận nguồn nước sạch.
Bạn có thể tham khảo bảng trên để bắt đầu việc trồng cây cho phù hợp. Thời điểm ươm hạt/trồng cây trong bảng là thời điểm bắt đầu cho việc thực hiện giai đoạn đấy. Khoảng thời gian thu hoạch cũng tương ứng với độ dài của khoảng thời gian bắt đầu trồng.
Ví dụ: cà chua vụ hè bắt đầu ươm hạt từ giữa tháng 2, mất 2 tuần để cây con sẵn sàng mang đi trồng. Đầu tháng 3 bắt đầu trồng cây vào chậu. Chăm sóc 3 tháng, đến đầu tháng 6 có thể thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài 2 tháng, đến hết tháng 7. Như vậy là bạn có thể tiến hành việc bắt đầu ươm hạt trong khoảng thời gian 2 tháng, từ giữa tháng 2 (thời điểm đầu tiên) đến giữa tháng 4.
Việc trồng cây đúng mùa rất quan trọng vì nó tạo điều kiện thích hợp nhất đối với đặc điểm sinh trưởng của từng loại cây. Cũng như hạn chế các loại sâu bệnh có hại
Lên lịch trồng cây/ươm hạt phù hợp để ngay khi thu hoạch rau lứa trước, bạn có thể tiến hành gieo trồng lứa sau luôn để vườn rau luôn xanh tốt và có rau thu hoạch liên tục.
- Cây trồng: Sau khi có các loại cây muốn trồng, căn cứ vào diện tích trồng để tính ra số lượng cây con hoặc hạt giống cần chuẩn bị. Đối với các loại rau gieo hạt trực tiếp, cần khoảng 25gram hạt/1m2 diện tích trồng. Đối với rau trồng từ cây con, bạn có thể tham khảo bảng sau để tính số lượng cây phù hợp cho mỗi chậu.
- Dụng cụ:
· Xúc đất: không cần quá to, chỉ cần bạn cầm thoải mái và độ bền tốt là được. Là vật dụng không thể thiếu khi bạn trồng cây con.
· Bình tưới: dù có hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, nhưng nếu bạn muốn gieo/ươm hạt thì tôi khuyên bạn vẫn nên có 1 chiếc bình tưới có đầu phun sương. Tia nước to có thể làm xáo trộn vị trí hạt dẫn tới không thể nảy mầm. Dùng bình tưới nhẹ nhàng cho những ngày đầu trước khi hạt nảy mầm hoàn toàn là phù hợp nhất.
· Găng tay: trực tiếp chạm tay vào đất cũng là 1 phương pháp trị liệu rất tốt, nhưng nếu bạn có làn da nhạy cảm hay vẫn còn e dè trước những “sinh vật lạ” trong đất, thì nên sắm cho mình 1 đôi găng tay vải. Nó cũng giúp bạn hạn chế các vết cắt và tăng độ bám trong quá trình trồng . Nên mua loại được phủ cao su lòng bàn tay, tránh thấm nước và cổ tay ôm co giãn, tiện cho việc đeo/cởi và ngăn côn trùng/đất xâm nhập.
· Kéo cắt tỉa: Dùng để thu hoạch và tỉa bớt lá, cành không cần thiết, giúp cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi những phần chính. Nên giữ kéo luôn sắc bén và sạch sẽ để tránh tổn thương cây và lây lan bệnh.
- Đất đã được chúng tôi xử lý và bổ sung phân bón phù hợp, bạn không phải trộn lại mà có thể ngay lập tức tiến hành trồng rau.
Từ hạt:
Đối với các loại rau gieo trực tiếp từ hạt, bạn có thể gieo 1 lớp hạt vừa phải trên mặt đất mà không cần ngâm trước.
Phủ 1 lớp đất mỏng hoặc rơm lên trên để giữ ẩm và bảo vệ hạt giống.
Có thể gieo giữa các luống rau có sẵn mà không gây ảnh hưởng lẫn nhau. Việc gieo trồng xen canh cũng giúp cho vườn rau của bạn luôn luôn có rau để thu hoạch.
Ươm cây con:
Ươm cây con trước khi đem trồng sẽ giúp cây khỏe mạnh và khả năng sống cao hơn. Cách ươm như sau:
- Ngâm hạt: các loại hạt rau khả năng nảy mầm tốt nhưng nếu có thể bạn nên ngâm nước ấm trước 3-4h để tỉ lệ thành công cao hơn.
- Dùng các loại giá thể bán sẵn để đảm bảo độ nhẹ, giúp rễ cây dễ phát triển. Mua khay ươm với số lỗ phù hợp với lượng cây cần trồng hoặc có thể tận dụng các loại khay lọ nhỏ có sẵn trong nhà.
- Cho giá thể vào khay ươm
- Gieo hạt với độ sâu bằng 2 đến 3 lần đường kính của hạt.
- Phủ 1 lớp giá thể mỏng lên trên, đủ để che phủ hạt giống. Tuyệt đối không ấn chặt giá thể, sẽ khiến chồi khó vươn lên dẫn tới hạt bị hỏng.
- Luôn đảm bảo độ ẩm cho giá thể, thông thường nên tưới 2 lần/ ngày. Dùng bình phun sương tưới nhẹ nhàng, tưới quá mạnh có thể làm trôi mất các loại hạt nhỏ mà bạn không biết, hoặc làm hạt giống bị lộ ra trên mặt đất không thể nảy mầm được.
- Sau khi hạt nảy mầm và ra được 2-3 lá thật (lá đầu tiên mọc ra từ hạt mầm không tính), thì bạn có thể tiến hành mang cây con ra trồng vào chậu.
Từ cây con:
Nếu không có điều kiện ươm hạt, bạn có thể mua cây con về trồng cũng được. Miễn là nguồn cung cấp đảm bảo chất lượng của cây.
Cách trồng:
- Đào những lỗ rộng bằng bầu cây con và sâu hơn 1-2cm với độ sâu bầu cây, để tránh làm tổn thương rễ.
- Đặt cây con vào, giữ cho cây đứng thẳng. Lấp đất nhẹ nhàng đủ để cây đứng vững, nhưng đừng ấn quá mạnh có thể làm đứt rễ cây bên dưới.
- San bằng đất quanh gốc cây để khi tưới, nước được ngấm đều trên bề mặt đất.
- Khoảng cách giữa các cây như bảng gợi ý ở trên
Dù đã có hệ thống tưới nước tự động nhưng bạn vẫn nên quan sát đất và cây trồng để điều chỉnh lượng tưới cho phù hợp.
Không để cây héo rũ, vào những thời điểm nắng nóng như trưa hè, cần điều chỉnh lượng nước tưới nhiều hơn và có thể làm thêm lưới che nếu cây của bạn còn quá non và yếu ớt.
Không tưới sau khi tắt nắng, đất ẩm ướt là môi trường lý tưởng cho nấm bệnh phát triển.
Đất giữ ẩm là tốt nhưng quan sát nếu đất ẩm lâu thì giảm số lần tưới đi. Rễ cây không hút được hết nước sẽ bị “ngâm” trong đất ướt lâu dẫn đến thối rễ. Việc trồng nhiều cây kết hợp là 1 điều nên làm vì các cây cùng nhau chia sẻ thức ăn, hạn chế sự dư thừa nước trong chậu.
Cắt tỉa sâu bệnh
- Những cành/lá có dấu hiệu sâu bệnh hay sức sống yếu cần phải nhanh chóng cắt và xử lý xa gốc.
- Cắt tỉa cành lá già sát gốc, để hạn chế áp lực nuôi cho cây cũng như giúp gốc được thông thoáng, không khí dễ dàng lưu thông.
- Nên cắt nghiêng góc 45 độ để nước không đọng lại trên vết cắt, giúp vết thương nhanh lành.
- Lưu ý luôn giữ dụng cụ được sạch sẽ đề phòng bênh lây lan.
Cắt tỉa thu hoạch
- Đối với các loại rau củ thu hoạch nhiều lần, chú ý mỗi lần cắt cần nhẹ tay, tránh làm ảnh hưởng đến thân chính hay bộ rễ.
- Rau ngót thậm chí có thể thu hoạch trong nhiều năm sau khi trồng, nhưng lưu ý đến cuối mùa thu, khi cây có dấu hiệu kém phát triển thì nên cắt cành sát gốc, để cây chuẩn bị bước vào giai đoạn ngủ đông.
- Các loại thảo mộc khi được thu hoạch đúng lúc, sẽ càng phát triển mạnh mẽ hơn. Các loại cây hàng năm như húng quế, bạc hà nên cắt bỏ nụ và hoa để cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi mầm lá.
Dù là cắt tỉa xử lý sâu bệnh hay thu hoạch cũng không nên cắt quá 2/3 cây mỗi lần, vì cây có thể bị tổn thương quá lớn không có khả năng phục hồi.
Hàng năm bạn chỉ cần phủ thêm 1 lớp phân mùn lên bề mặt đất, không cần xới, việc còn lại là của giun và các vi sinh vật có sẵn trong đất.
Có thể việc dùng phân bón hữu cơ sẽ không cho tác dụng nhanh ngay lập tức như phân hóa học. Nhưng bạn đâu muốn cho gia đình ăn thực phẩm trông xanh tươi mơn mởn nhưng đầy chất độc hại phải không?
Bạn nên tìm hiểu các cách ủ phân hữu cơ tại nhà để tận dụng rác nhà bếp cũng như có nguồn phân bón đảm bảo cho khu vườn.
Đối với các loại rau thân leo như cà chua, dưa chuột, các loại đỗ thì việc làm giàn là cần thiết cho nhu cầu và sự phát triển của cây cũng như chất lượng của rau quả.
Khi bắt đầu trồng cây nhớ sắp xếp những loại rau này ở phía sau cùng trong thứ tự tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, để không cản trở sự phát triển của những cây khác.
Giàn chữ A:
Làm giàn chữ A thì có độ bền chắc khỏe hơn, với các loại quả to như bầu bí thì độ nghiêng của giàn sẽ giúp giảm áp lực cho thân cây rất nhiều. Nhưng nhược điểm là tốn diện tích.
- Bước 1: Dùng cọc tre cắm xuống đất thành 2 hàng tạo khung sườn hình chữ A. Cố định điểm giao nhau bằng dây thít. Chân cọc cách xa gốc cây 10-15cm.
- Bước 2: Buộc tiếp các thanh tre nằm ngang để khung sườn kết nối ổn định. Dùng dây thít cố định các điểm giao.
Độ cao giàn phụ thuộc không gian của bạn nhưng từ 1- 2m để phù hợp sự phát triển của cây.
Giàn leo nghiêng dựa vào vách tường:
- Các loại đỗ đậu bạn chỉ cần cắm 1 cọc tre cho cây, chúng có khả năng bám và leo giàn rất tốt. Cách này đơn giản và tối ưu hóa không gian tốt. Nhưng nhớ chú ý độ nghiêng giàn phù hợp và được cố định chắc chắn, tránh tình trạng quả và cây phát triển dẫn tới đổ giàn gây tổn thương cây.
- Có thể giăng thêm lưới làm khung sườn để cây dễ dàng leo hơn.
Dây cuốn ngọn:
Hoặc bạn có thể dùng dây treo để cây cuốn vào. Cách này rất đơn giản nhưng chỉ áp dụng được với các cây thân và quả nhỏ như dưa chuột bao tử hay cà chua bi và bạn có thể phải hỗ trợ cuốn ngọn cho cây.
Cố định đầu dây bên trên, độ dài dây đủ để kéo xuống gốc. Khi cây còn nhỏ bạn cuốn dây nhẹ nhàng xung quanh thân, sau cây sẽ theo đó bám dần lên.
Trồng cây trong chậu, đất đã được xử lý thì nguy cơ về cỏ dại đã được giảm rất nhiều.
Nên trồng các loại rau ưa bóng tâm thân bò lan như dấp cá hoặc sen cạn, chúng vừa giúp làm mát đất, vừa hạn chế cỏ dại phát triển.
Việc hạn chế xới đất khiến cho các hạt cỏ ở sẵn trong đất không thể tiếp xúc với ánh sáng và không khí nên không có cơ hội nảy mầm và phát triển.
Đây là vấn đề đau đầu nhất đối với người làm vườn, nhất là những người chưa có nhiều kinh nghiệm. Bởi nếu không xử lý kịp thời, sâu bệnh sẽ tấn công và hạ gục cả vườn rau của bạn chỉ sau vài ngày. Nên bài viết dành hẳn 1 phần riêng để bạn có thể nắm rõ.
Tin vui là nếu bạn trồng trong chậu đã hạn chế rất nhiều các vấn đề sâu bệnh từ dưới mặt đất. Và đặc biệt, đất của chúng tôi là đất sạch hữu cơ, đã được xử lý, hạt/cây giống được tuyển chọn từ những giống chất lượng, kháng bệnh tốt nên đã giảm thiểu được tới 80% vấn đề sâu bệnh thường gặp.
Có phương án phòng bệnh từ sớm để bảo vệ cây trồng và giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh.
- Chọn vị trí trồng có đủ nắng, không khí lưu thông tốt.
- Không nên trồng cây quá dày, tỉa các lá già, lá sâu để giúp thông thoáng không khí.
- Giữ gìn sạch sẽ dụng cụ làm vườn, tránh lây lan bệnh.
- Hạn chế tưới ướt tán lá vì môi trường ẩm dễ khiến nấm bệnh phát triển.
- Thường xuyên kiểm tra tình trạng cây. Đa phần các bệnh thường gặp ở rau có thể dễ dàng phát hiện thông qua quan sát. Xử lý khi bệnh còn nhẹ để đạt hiệu quả tốt nhất.
Cách xử lý các bệnh thường gặp:
Nếu lá cây của bạn xuất hiện những lỗ cắn hoặc có dấu hiệu bị gặm trụi, hãy lật mặt dưới của các chiếc lá lên kiểm tra, chắc chắn bạn sẽ bắt gặp các loại sâu ăn lá đang trú ngụ ở đó.
Cách xử lý đơn giản nhất là dùng tay bắt và xử lý chúng xa cây. Một mẹo là bạn nên dùng đèn soi và bắt vào buổi tối, chúng thường hoạt động mạnh mẽ vào lúc đó. Chỉ sau 1,2 lần bắt, cây của bạn sẽ đỡ hơn nhiều.
Chú ý xử lý cả những chiếc kén – tổ của những con sâu non, chúng khiến lá cây bị cong lại và có nhiều mạng lưới quấn thành tổ.
Đây là kẻ thù tồi tệ nhất của người làm vườn. Chúng hút chất dinh dưỡng và làm cho cây yếu dần. Ban đầu rệp tập trung chủ yếu ở mặt dưới lá, nếu không thể kiểm tra cây thường xuyên thì hãy chú ý nếu lá cây có dấu hiệu biến màu, héo và quăn lại.
Nếu rệp chưa lây lan rộng, bạn có thể ngắt phần lá/thân bệnh và xử lý xa hẳn vườn rau của mình, để tránh chúng phát tán. Nhưng nếu cây bị nặng hơn, bạn phải rửa sạch chúng bằng nước sạch hoặc pha loãng các chất tẩy rửa từ thiên nhiên (như nước rửa chén bồ hòn). Trong trường hợp cây bị quá nặng, không có khả năng phục hồi, cần nhổ bỏ cả cây để ngăn chặn bệnh.
Nếu đất khô và khí hậu nóng, nhền nhện có thể đe dọa cây rau non nớt của bạn. Bạn sẽ tìm thấy chúng ở mặt dưới của lá. Tưới nước mạnh và liên tục đến khi lá cây của bạn sạch hoàn toàn. Nặng hơn thì bạn phải dùng tới chế phẩm neem để phun cho cây, 0,3ml/m2 pha với lượng nước phun vừa đủ.
Bọ nhảy thường xuất hiện ở vườn và những khu vực trồng dưới thấp. Nếu bạn trồng cây ở ban công hay sân thượng, thì tình trạng này đỡ xảy ra hơn. Có thể phun phòng bằng dung dịch tỏi ớt tự ngâm tại nhà hoặc các loại tinh dầu tự nhiên. Nếu có điều kiện bạn nên quây lưới cho vườn rau của mình để tránh bọ nhảy xuất hiện.
Bệnh do nấm gây ra và có thể lây lan rất nhanh khiến lá cây bị biến dạng, rụng sớm, cây kém phát triển. Nó tạo thành 1 lớp phấn trắng trên lá cây, nên ngay khi thấy cây bắt đầu có dấu hiệu bệnh, pha hỗn hợp: 1 lít nước- 1,5 thìa cà phê baking soda – 1 thìa cà phê chất tẩy rửa tự nhiên, lắc đều cho baking soda hòa tan vào chất lỏng và xịt đều lên mặt trên và mặt dưới của lá, tránh xịt khi thời tiết nắng nóng. Có thể dùng làm xịt phòng cho cây vào đầu mùa hè, trước khi nhiệt độ và độ ẩm có thể gây bệnh.
Dựa theo bảng gợi ý ở trên để biết thời điểm thu hoạch rau. Đó chỉ là thông tin tham khảo vì thực tế thời tiết, môi trường sống, điều kiện chăm sóc của từng khu vườn có thể ảnh hưởng ít nhiều tới sự phát triển của rau, nên bạn hãy quan sát và chọn thời điểm thu hoạch phù hợp cho nông sản của mình.
Đừng lo lắng, chỉ cần thực hành 1,2 lần là bạn có thể phân biệt được rau non/già thông qua màu sắc, độ mềm và kích thước của lá
Đối với những loại rau có thể thu hoạch nhiều lần như rau ngót, mồng tơi, đậu cove, bạn dùng kéo cắt cành/lá/quả và để lại thân cho cây tiếp tục sinh trưởng. Chú ý đừng làm tổn thương thân cây.
Các loại rau ăn lá như các loại cải thì bạn nhẹ nhàng dùng tay nhổ cả cây lên, thu hoạch theo nhu cầu, tránh ảnh hưởng đến rễ những cây còn lại.
Nếu rau của bạn đồng loạt đến giai đoạn thu hoạch, hãy hái chúng và bảo quản trong tủ lạnh để chúng không thể tiếp tục lấy chất dinh dưỡng và già đi. Rau sạch là một gợi ý thiết thực để làm quà tặng cho người thân và bạn bè xung quanh.
Dọn dẹp cây cũ sau khi đã thu hoạch.
Bón bổ sung phân hữu cơ nếu cần nhưng với phương pháp trồng hữu cơ, bạn không cần phải bổ sung liên tục vì hệ vi sinh vật được bảo vệ và phát triển sẽ giúp đất ngày càng giàu dinh dưỡng và tơi xốp.
Một ưu điểm khác nữa là bạn không cần phải xới lại đất trước khi trồng mùa vụ mới. Đất tơi xốp cùng với chất liệu chậu gỗ thông, không khí sẽ dễ dàng tiếp xúc và làm thông thoáng đất.
Việc của bạn chỉ là tính toán và chuẩn bị sẵn hạt giống hay cây con cho đợt trồng rau tiếp theo sau khi thu hoạch.
Nếu gieo hạt quá dày thì xử lý như thế nào?
Do chưa có kinh nghiệm có thể bạn sẽ gieo quá nhiều hạt 1 lúc đối với các loại rau gieo trực tiếp như rau cải. Đến lúc chúng đồng loạt nảy mầm, mật độ quá dày khiến chúng không có đủ không gian để phát triển.
Bạn nên tỉa bớt cây con khi chúng đã ra lá thật, cao tầm 5-8cm, bộ rễ tương đối ổn định. Có thể tiến hành tỉa bằng cách nhổ bớt những cây kém phát triển hơn khi đất ẩm để tránh làm xáo trộn những cây còn lại. Hoặc dùng kéo cắt ngang gốc để ổn định đất nhất có thể.
Những cây con được tỉa bớt có thể làm salad rau mầm hoặc nếu bộ rễ của chúng không bị ảnh hưởng nhiều, bạn có thể mang chúng sang trồng ở nơi khác, đảm bảo khoảng cách phù hợp.
Nên thực hiện khi thời tiết mát mẻ để cây con được nhanh chóng phục hồi.
Dấu hiệu cây bị thiếu chất?
Tùy thuộc vào điều kiện chăm sóc và tình hình thời tiết, cây có thể sẽ có tốc độ sinh trưởng khác nhau, nhưng nếu chưa có nhiều kinh nghiệm, bạn có thể dựa vào bảng gợi ý thời gian thu hoạch ở trên để xác định xem cây trồng của mình có đang bị chậm phát triển không. Ngoài ra nếu cây của bạn trông còi cọc, lá nhỏ bị chuyển vàng và rụng sớm thì điều đó chứng tỏ nó đang thiếu chất. Bổ sung dinh dưỡng bằng cách bón 1 lớp phân mùn lên bề mặt. Có thể mất 1-2 tuần để cây của bạn hấp thụ và phát triển mạnh mẽ trở lại.
Có nên bón trực tiếp rác hữu cơ lên vườn mà chưa qua thời gian ủ?
Rác hữu cơ có thể trở thành nguồn phân bón giàu dinh dưỡng và an toàn cho vườn rau gia đình bạn nhưng nếu đổ trực tiếp lên chưa qua quá trình phân hủy thì có thể lại là nguyên nhân gây hại cho vườn rau của bạn.
Thực phẩm hữu cơ còn tươi sẽ thu hút chuột đến ăn, vô tình sẽ xới tung cả vườn rau.
Trong quá trình chúng phân hủy sẽ xuất hiện các loại bọ cũng như mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đợi sống sức khỏe gia đình bạn.
Các mầm bệnh và vi khuẩn có hại trong rác hữu cơ chưa được diệt trừ trong quá trình ủ sẽ trở thành mối đe dọa, tấn công cây của bạn.
Nếu vườn không đủ ánh nắng tự nhiên?
Đây là vấn đề dễ gặp phải đối với các khu vườn đô thị. Thời gian tiếp xúc ánh nắng không đạt mức tối thiểu hoặc không được nắng chiếu trực tiếp sẽ khiến cây chậm phát triển, sức sống kém dễ bị sâu bệnh tấn công. Bạn có thể bổ sung bằng cách lắp hệ thống đèn chiếu sáng cho cây chuyện dụng – không phải đèn chiếu sáng thông thường. Trên thị trường rất nhiều chủng loại, bạn có thể tham khảo.
Dùng ống tưới sát mặt đất có sợ bị tắc đường nước?
Dù ống tưới được đặt sát đất, có nguy cơ bị bùn đất dính vào lỗ tưới nhưng với lực nước mạnh tưới hàng ngày, có thể tự động làm sạch đầu tưới nước, nên không phải lo về tình trạng bít tắc.